Tro chuyen van chuong

Trò chuyện văn chương

  •   Nhà thơ - Đại tá Đỗ Trung Lai
  •  
     

    ​Trưa hôm ấy, Đại sứ nước ta, anh Đinh Xuân Lưu, mời cơm chúng tôi và một số đại diện Bộ Ngoại giao I-xra-en ở một nhà hàng rất sang. Tới dự, về phía I-xra-en, có bà Ruth Kahanoff, Phó Tổng vụ trưởng Tổng vụ Châu á - Thái Bình Dương, ông Chaim Choshen, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, hai vị cựu Đại sứ I-xra-en tại Việt Nam- Đại sứ đầu tiên, ông David Matnai, và ông Effie Ben – Matityau, Đại sứ tiền nhiệm của Đại sứ bây giờ- cùng chị Ruth Schatz, người sẽ còn đi với chúng tôi trong mấy ngày tới...

    Ông David Matnai, rất mê Hà Nội. Ông mê phở Hà Nội trong các ngõ nhỏ - “Ăn ở đó mới ngon”- ông bảo. Ông cũng rất mê ca trù - “Tuần nào tôi cũng ra Văn Miếu nghe nghệ sĩ Bạch Vân hát”- ông tấm tắc mãi. Thấy vậy, tôi hát cho ông nghe bài “Khúc ngâm nghìn năm”, lời thơ của mình, bằng một điệu giàu chất ca trù. Nghe xong, ông Matnai nhận xét, trong điệu hát của tôi có “rất nhiều folklore Việt Nam”, có cả chèo và xẩm nữa. Quả là ông rất tinh tường...

    Rồi các bạn hỏi chúng tôi về tình hình văn học Việt Nam. Các bạn muốn biết, lớp trẻ Việt Nam đang viết thế nào, có xu hướng gì đặc biệt, và hỏi tôi, việc dịch thơ Đường sang tiếng Việt có khó khăn không?... Khi biết, ở Việt Nam, những người trẻ viết về tất cả các đề tài, kể cả sex; và đang thể nghiệm mọi hình thức, từ “Hiện thực huyền ảo” Mỹ-Latin tới “Thơ vụt hiện” như châu Âu hiện đại..., bạn rất thú vị vì thấy từ sau đổi mới, văn học Việt Nam cởi mở đến thế. Rồi các bạn hỏi và tôi giải đáp, về những thứ chữ ta đã dùng: chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Khi biết chữ Quốc ngữ giúp người Việt học nhanh, xóa nạn mù chữ nhanh, chỉ trong ba tháng, nhưng lại làm chúng ta xa dần những cái cha ông đã viết hàng ngàn năm, các bạn nói: “Đúng là hai mặt của một vấn đề”.

    Anh Đào Minh Hiệp kể, khi anh học địa chất ở Maxcơva, thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp của anh là một người Do Thái, các bạn rất vui. Lại càng vui hơn, khi mọi người nhớ ra rằng, Karl Marx và Enstein cũng là người Do Thái. Các bạn cho biết, từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, theo lời kêu gọi của Nhà nước Do Thái, hơn một triệu người Do Thái đã “trở về nhà” từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Vừa qua biên giới là họ được cấp thẻ công dân, tiền trợ cấp, nhà ở và đất đai. Bây giờ, ở thành phố cảng Haifa, 1/3 dân số nói được tiếng Nga. Tương tự như thế, là với khoảng hơn một triệu người Do Thái về từ các nước Arab, là với bao gia đình Do Thái trở về từ châu Âu, châu Á, châu Đại Dương và châu Phi. Đặc biệt, Nhà nước Do Thái đã ký với Chính phủ Ethiopia và Chính phủ Yemen một hiệp định mà theo đó, đã đưa “về nhà” 1,5 vạn người Do Thái trong có hai ngày! Sau này, khi đi với Sandra, một người từ khi 7 tuổi, đã theo cha mẹ về I-xra-en từ Romania, chúng tôi biết thêm rằng, việc định cư, sắp xếp công ăn việc làm cho hàng triệu người mới về ở I-xra-en ngày ấy, khó như thế nào, và bạn cũng giỏi như thế nào. Sandra kể, bố mẹ cô là bác sĩ, khi mới về, phải đi bán bar thuê, đi dọn vệ sinh kiếm sống. Nhưng cũng chỉ vài ba năm sau, ai lại về vị trí đó. Sandra bây giờ là cán bộ của Bộ Ngoại giao I-xra-en, cao 1 mét 7, đẹp đoan trang và lịch lãm, như một cô gái Hà Nội gốc vậy.


    Xung quanh việc giải quyết công việc cho những người mới trở về, có một câu chuyện thế này, khi nữ Thủ tướng Golda Meir (nữ thủ tướng duy nhất đến giờ của I-xra-en, đắc cử năm 1969) tại vị, có một ông khách đòi gặp bằng được. Ông khách bảo với bảo vệ: “Tôi là bạn bà ấy, việc khẩn cấp”. Dù vô cùng bận, bà Thủ tướng vẫn tranh thủ tiếp ông. Bà hỏi: “Anh có kế hoạch gì à?”. “Tôi đến xin bà tiền để xây 10 trường đại học kỹ thuật. Về nước đông thế, lại chỉ biết buôn bán, thì nước mạnh làm sao?”- ông kia nói. “Anh cần bao nhiêu tiền?”. “20 triệu USD”. Bà Thủ tướng gọi điện ngay cho Bộ trưởng Tài chính. Bộ trưởng nhăn nhó: “Bây giờ lấy đâu ra nhiều tiền thế?”. “Vậy anh có bao nhiêu?”. “Nhiều nhất là 10 triệu”. “Anh khoanh 10 triệu ấy lại cho tôi. Khi cần, tôi sẽ lấy”. Rồi bà bảo với ông bạn của mình: “Anh xin tôi 20 triệu để xây 10 trường đại học kỹ thuật. Tôi chỉ có 10 triệu. Anh hãy xây lấy 5 trường”.

    Chính từ 5 ngôi trường “đi xin” ấy, bây giờ I-xra-en là cường quốc về một số ngành mũi nhọn: Điện tử - Viễn thông - phần mềm, Công nghệ quân sự, Công nghệ sinh học - nông nghiệp, Chế tác kim cương, hóa dược và hóa chất tinh chế... Bây giờ, khu vực ngoại ô Tel Aviv được gọi là “Thung lũng Silicon” thứ hai của thế giới, sau Mỹ.


     Chiều 30/11, chúng tôi đi thăm Trung tâm văn hóa quốc tế Mishkenot Sha’ananim ở Jerusalem. Tiếp chúng tôi là Giám đốc điều hành Trung tâm hiện thời là Uri Dromi. Ông nói: “Văn học, văn hóa rất quan trọng với người Jerusalem. Những nhà thơ nổi tiếng của I-xra-en đều muốn đến đây để hoàn chỉnh tác phẩm của họ trước khi xuất bản. Các nhà thơ quốc tế cũng đến nhiều. Một trong số họ là nhà thơ Mỹ Nikole Kraw. Ông ấy đã ở đây từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay. Chính cuộc sống và thiên nhiên I-xra-en đã giúp ông ấy hoàn thành tác phẩm Love history (Câu chuyện tình yêu) của mình và chuyển dịch sang tiếng Anh, tác phẩm Ngôi nhà lớn của I-xra-en. Các nhân vật tiếng tăm, các nhà văn hóa thế giới cũng đến thăm nơi này, hoặc đến để hội thảo. Đó là Herman Uar và Sol Belan của Mỹ, Hauki và Murakami của Nhật, Vanga Siosa của Peru...”. Rồi ông tự hào bảo: “Này! Lit Taylor, Jacklin Kennedi đã đến đây vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Đạt Lai Lạt Ma thì đến vào năm 2005. Giờ ông ấy đang ở Tây Tạng”. Ông nói tiếp: “Jerusalem nhỏ nhưng rất yêu quý các nhà văn thế giới. Rất hân hạnh được gặp các bạn Việt Nam”. Trả lời câu hỏi về quy chế tham gia Trung tâm của khách quốc tế, ông cho biết: “Họ cứ đến đây, ở bao lâu là tùy họ, chúng tôi có những căn phòng cho họ nghỉ và cho họ ăn. Có những người mang nỗi buồn nặng nề đến. Họ không muốn ai biết đến mình. Hai tháng sau, hết buồn, họ mới sáng tác. ở đây, mỗi ngày không rẻ đâu: 200 USD cho nhà ở và bữa sáng, còn hai bữa chính nữa. Tất cả khoảng 300 USD mỗi ngày đêm. Có người được chúng tôi mời, có người tới qua đường ngoại giao, qua các trường đại học, qua các quỹ văn hóa. Một số người phải trả tiền, một số thì không. Nhưng mọi người phải tự lo vé máy bay”. Rồi ông kể, ở đây có giải thưởng văn học mang tên Ikhuda Amikai: “Đó là một người viết rất nhiều về vùng đất thánh Jerusalem. Tại đây đã diễn ra rất nhiều cuộc chiến tranh. Ông ấy đã thấy rất nhiều người chết. Con trai ông ấy cũng chết ở đây. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, ông ấy đi tìm những con thuyền của ông ấy ở nơi đất thánh này, như đi tìm con vậy. Ông ấy đã mất, năm 2007, thọ 80 tuổi”- Uri nói. Khi tôi hỏi, vì sao ở Jerusalem, tôi thấy cả những chiếc cối xay gió đã ngừng quay. Ông bảo: “Những chiếc cối xay gió đã không bao giờ quay nữa, nhưng nó tượng trưng cho sự quay của trái đất, của đời sống Jerusalem. Sự vận động ấy làm cho đất nở hoa, vì đây là đất thánh”. Thánh thần thì tôi không quen lắm, nhưng sự sống động của đời sống làm cho đất nở hoa thì tôi tin. Ông đề nghị tôi đọc thơ, tôi đọc bài Vịnh nỗi buồn, nói về một cây đàn cũ bị bỏ xó khi người chơi đàn đã ra đi. Và, khi tiếng đàn ngân trong lòng người ở lại thưa dần rồi tắt hẳn, người ta đã bán cây đàn ấy. Uri bảo: “Hay và buồn quá! Kẻ bán đàn trong thơ anh cũng giống như kẻ phá cối xay gió của chúng tôi vậy.” Thật là một người thưởng thức nhạy cảm!

    Xứ xở này yêu văn học thật. Lúc ở Jerusalem, chúng tôi được mời dự đêm khai mạc của “Lễ hội ánh sáng”, cũng là đêm đầu của một Festival thơ. Ông Herzle Hakak, Chủ tịch Hội Nhà văn I-xra-en, trân trọng thắp ngọn nến đầu trong số 7 ngọn nến tượng trưng cho 7 ngày lễ hội. Các nhà thơ I-xra-en, nam và nữ, già và trẻ, Do Thái và Arab, đến từ mọi vùng, tấp nập lên đọc thơ. Ai đọc dài quá thì bị “nhắc nhở”, y như ở Việt Nam vậy. Đêm thơ thứ hai ở Tel Aviv, tại trụ sở của Hội Nhà văn I-xra-en, các nhà văn Việt Nam được mời ngồi ở ghế danh dự. Tôi, Thu Nguyệt và Đào Kim Hoa đều đọc thơ mình, Hoa dịch luôn sang tiếng Anh. Các bạn ưu tiên cho chúng tôi, mỗi người đọc hai bài. “Very nice”- đó là câu mọi người nói về những bài thơ Việt.


    Buổi tối gặp nhà văn Eli Amir cũng khá thú vị. Ông được coi là cây đại thụ của văn học I-xra-en. Chủ đề chính trong các tác phẩm của ông là chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Là một người hồi hương từ Iraq, ông đặc biệt chú ý tới khát vọng và quá trình hồi hương của đồng bào mình. Những cuốn sách của ông đều là những cuốn bán chạy tại I-xra-en và một số trong đó đã được đưa vào giảng dạy trong các trường trung học. Phần lớn tác phẩm của ông đã được dịch ra các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức và Arab, cũng bán chạy, đặc biệt là ở Đức. Ông còn nổi tiếng vì nhiều bài giảng, bài báo, các chương trình phát thanh - truyền hình. Biết Đào Minh Hiệp là dịch giả dịch từ tiếng Nga, trong bữa ăn tối ở Mimala Hotel, ông đã tặng Hiệp một cuốn trong bộ ba tiểu thuyết của mình, in bằng tiếng Nga, đang là sách “Best Seller” trong cộng đồng người Do Thái nói tiếng Nga ở I-xra-en hiện nay. Ông bảo: “Đây là cuốn truyện về một người đàn ông trên 50 tuổi. Ông ấy đau tim, phải nằm chữa bệnh và nhớ lại những tình nhân của mình.” Ông hy vọng sách được Hiệp dịch, để “tôi còn được sang Việt Nam giới thiệu sách chứ.” Hiệp khẳng khái: “Nếu tôi thích cuốn sách, nếu nó hợp với tôi, tôi sẽ dịch.” Rồi ông và ông Chaim Choshen, Vụ trưởng Vụ Đông Nam á, dẫn chúng tôi đi thăm phố cổ Jerusalem. Giữa phố cổ, dài gần một cây số, là một trung tâm thương mại - giải trí khổng lồ với nhiều khách sạn, văn phòng, và suốt hai bên tầng trệt là rất nhiều kiốt bán hàng đắt tiền. “Tất cả khu này là của một tư nhân. Ông ấy đầu tư, xây dựng và cho thuê tất cả”- Chaim Choshen giới thiệu thế. Có cái lạ, là không chỉ có nhà cổ, nhà nhỏ ở I-xra-en mới được xây bằng một thứ đá trắng có rất nhiều ở I-xra-en, mà cả các cao ốc mới cũng vậy. Tôi hỏi, các bạn cho biết, xây nhà bằng đá trắng là luật I-xra-en, nếu không, cũng phải là giả đá trắng. Luật này có từ lâu đời. Khi được ủy trị I-xra-en, người Anh cũng tuân thủ luật này. Quả vậy, trên đỉnh đồi bên kia thung lũng, là khách sạn Anh quốc. Thời người Anh cai trị, nó đã bị người Do Thái đặt bom phá hủy một phần. Nó cũng được xây bằng đá trắng. Suốt tối đi chơi phố cổ, Eli Amir ít nói. Có lẽ ông đang nghĩ về một cuốn sách mới. Ra về, ông bắt tay mọi người và vượt qua đường một cách giản dị, đi bộ.

    Sau nhà văn người Do Thái ấy, bạn lại mời chúng tôi gặp một nhà văn người Arab, cũng nổi tiếng không kém. Nghe nói, ai muốn vào nghị viện, cũng phải nhờ đến ông. Ông tên là Naim Araidi, giáo sư, người sáng lập Festival thơ tại Maghar, một vùng giữa Tel Aviv và Haifa. Naim Araidi mời chúng tôi ăn cơm trưa tại nhà. Nhà ông ngay bên đường, trên sườn đồi, phải leo vài chục bậc mới đến căn nhà một tầng nhưng có nhiều buồng của ông. Vợ và con dâu ông nấu các món ăn, các con trai thì bày bàn và tiếp rượu. Ông mời chúng tôi uống một thứ rượu mạnh nấu bằng nho I-xra-en. Rượu trong suốt, nhưng khi pha nước vào thì chuyển sang màu trắng sữa như rượu nếp ngâm của ta. Thêm đá vào, rượu thơm phức mùi bạc hà. Tùy lượng nước và đá thêm vào, mà ta có nhiều loại coktail, từ nặng đến nhẹ. Đi đường mệt, tôi chỉ uống được hơn một cốc lớn, loại nặng. Tôi mời ông hút thuốc Thăng Long, ông hút thử và nhận xét là ngon nhưng nhẹ, ông quen hút Gaulois, người Arab thường hút thuốc nặng. Ông cũng hút cả pip như tôi, cũng thuốc Captain Black. Ông rất cởi mở. Tuy nhiên, ông hầu như không biết gì về Hội Nhà văn I-xra-en. Ông nói, ông là nhà văn độc lập và đã tổ chức rất nhiều Festival thơ. Ông đọc thơ mình cho chúng tôi nghe. Bài thơ nói rằng, bông hoa kia đang tươi, anh đem hái về nhà và làm cho hoa khô héo. Em, nếu muốn đến cùng anh, em hãy chỉ nên đến trong những giấc mơ của anh. Nữ thi sĩ Thu Nguyệt đọc thơ đáp lễ. Thơ Nguyệt nói rằng, trước khi gặp anh, em nghĩ mình rắn như hòn đá. Còn anh, anh khiêm tốn, dịu dàng như dòng nước. Thế mà sau đó, đá làm cho nước thành ra ghềnh thác, còn em, trước tưởng là đá, giờ đã tròn nhẵn và vô hại như một hòn cuội. Ông thích lắm. Tôi tặng ông mấy cuốn sách của mình, ông cảm ơn nhiều lần và mong các nhà thơ Việt Nam sớm có mặt trong các Festival thơ của ông. Ông bảo, người I-xra-en, dù là Do Thái hay Arab, đều rất yêu thơ. Ông hỏi về việc làm thơ ở Việt Nam. Tôi bảo, ở Việt Nam, thật khó tìm ra ai, cả đời không viết một vài câu thơ. Thơ ở Việt Nam, dùng để ngâm, để đọc, để hát, để ru... “Ngày thơ Việt Nam” là ngày 15 tháng Giêng, lịch mặt trăng. Dịp ấy, các tỉnh thành, từ Bắc đến Nam, đều tổ chức những “Ngày thơ” của mình. Thế là ở Việt Nam, có cả 2.000 ki-lô-mét thơ. Ông vô cùng thích thú. Bữa nhà ông rất ngon. Chúng tôi mời ông, nếu có dịp, sang Việt Nam đọc thơ và uống rượu.


    Chúng tôi cũng được đến Haifa, thăm khu đền Baha’is và Trường Đại học Haifa. Haifa là cảng lớn nhất I-xra-en. Vịnh Haifa hình chữ V. ở cuối nhánh phải của chữ V ấy, giáp Li Băng. Đền Baha’is nằm ở nhánh trái của chữ V, có 9 tầng kiến trúc vườn, rất cân đối, rất hài hòa và chuẩn xác; với muôn vàn cây, hoa, lá và những đài phun nước. Không biết vườn treo Babilon ngày xưa đẹp đến đâu, nhưng tôi nghĩ, có lẽ cũng chỉ đẹp đến thế này là cùng. Là thành phố cảng, Haifa còn được gọi là “Thành phố tôn giáo”. Đền thờ Hồi giáo được phục dựng nguyên bản, rất lộng lẫy. Nhưng kiến trúc đền Baha’is, do Hội đồng tôn giáo Baha’is chọn, lại là một kiến trúc Roman, giống hệt một ngôi đền Hy Lạp, mái lợp ngói xanh, rất mát mắt, lý do là, “để một nghìn năm sau không bị lạc hậu”. Hội đồng tôn giáo thì mở rộng ra quốc tế, đủ thành phần của các tôn giáo, các châu lục, và hướng dẫn viên cho biết, từ hai năm nay, có cả người Việt Nam. Hướng dẫn viên nói, người I-xra-en coi “các tôn giáo như các chương trong một cuốn sách, những quả trên một cành cây, những cành trên một thân cây. Sẽ rất tốt nếu chúng hòa hợp, cành nọ kết nối cành kia bằng tình anh em, hữu nghị, đoàn kết. Được như thế, con người sẽ như có thêm đôi cánh để cùng bay tới những ước mơ của mình”.


    Có lẽ, về tôn giáo vùng này, phải đọc thêm rất nhiều mới hiểu được, và chưa chắc, đó đã là “vấn đề” cốt lõi của Trung Đông.


    Trường Đại học Haifa nằm trên ngọn đồi cao nhất thành phố, những mấy chục tầng. Tại đây chúng tôi có cuộc tọa đàm với khoa Văn học. Trưởng khoa là nữ giáo sư Haya Bar-Itzhak. Bà dạy văn học Do Thái hiện đại và nói được tiếng Nga. Cùng tiếp khách với bà là 5 giáo sư khác, 1 nam và 4 nữ. 4 người trong số họ trở về đây từ Liên Xô cũ và tất nhiên, đều nói được tiếng Nga. Họ, người dạy văn học so sánh, người dạy văn học Đức, người dạy văn học Slavơ. Các bạn hầu như không biết gì về văn học Việt Nam. Khi nghe nói, Việt Nam có tới 3 danh nhân văn hóa được UNESCO công nhận là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và đó là 3 nhà thơ, các bạn rất ngạc nhiên. Bạn đưa cho chị Hoa một tờ giấy, nhờ viết rõ họ tên 3 “cụ”, và xin ghi thêm tên họ một số nhà thơ, nhà văn nổi tiếng khác “Để về tra Google”- các bạn ấy nói thế. Rồi các bạn hỏi cho rõ, vì sao Việt Nam lại có đến 3 thứ chữ: Hán, Nôm, Quốc ngữ? Văn học hiện đại Việt Nam chịu ảnh hưởng từ những nền văn học - văn hóa nào? v.v… và v.v… Khi được giải đáp thỏa đáng, họ rất hứng khởi và đều nói, sẽ để tâm tìm hiểu văn học Việt Nam.

    Nhà văn Uri Olev, sinh ở Vacsawa, Ba Lan, năm 1931. Ông sống trong trại tập trung trong những năm đầu của Thế chiến thứ II. Cha ông bị bắt và chỉ đến năm 1954, ông mới được gặp lại cha ở I-xra-en. Mẹ ông đã bị phát xít Đức giết hại. Ông đã đoạt rất nhiều giải thưởng văn học, trong và ngoài nước. Nhà xuất bản Kim Đồng của ta có dịch một cuốn của ông. Chuyện kể rằng, có một bà lão một thân một mình. Bà đi lang thang khắp các thành phố mà không sao thuê được nhà ở. Bà bèn ngồi trong một đám ruộng đan giày len, đan thảm len, đan giường và ghế bành, đan gối và ga trải giường, đan cả bô nữa. Rồi bà đan cả một ngôi nhà, đan ấm chén, bánh ngọt, những đứa cháu với khu vườn. Nhưng không có trường học nào nhận dạy những đứa cháu được đan từ len của bà. Bà đan một cái ô tô rồi đi gặp thị trưởng các thành phố. Các thị trưởng, vì sự đáng kính của thành phố mình, cũng không cho các trẻ được đan bằng len đi học. Bà đan một chiếc máy bay để đi gặp Thủ tướng. Ngài Thủ tướng lại đồng ý với ý kiến của các trường học và các thị trưởng! Trong khi bà lão đi vắng, ngôi nhà của bà trở nên nổi tiếng, rất nhiều người đến xem. Thậm chí, ông thị trưởng sở tại còn rào nhà lại và định thu tiền của khách tham quan. Trở về nhà, bà lão rất giận dữ. Bà bắt đầu tháo ngôi nhà và mọi thứ ra. Bà bảo, đất nước này không phải là nơi tốt cho chúng ta, ta lại phải đi nữa rồi. Bà đi, đi mãi, đi tìm một đất nước khác. Bà nghĩ, khi gặp một đất nước tốt bụng, bà sẽ đan lại tất cả. Trong câu chuyện của Uri Olev, bà lão như là cả dân tộc Do Thái vậy.

    Trong đêm giao lưu văn học ở Tel Aviv, Uri Olev nhờ tôi đọc cuốn truyện ấy của ông bằng tiếng Việt. “Để xem âm điệu nó thế nào”- ông nói. Đọc xong, tôi xuống ngồi cạnh ông và bảo: “Thật là một câu chuyện giản dị mà sâu sắc”. Ông nắm chặt tay tôi.


    Ở một xứ xở đầy biến động, cả về chính trị, xã hội, lãnh thổ và tôn giáo như thế, lại yêu văn chương đến thế, chắc chắn văn học Do Thái cũng không thể đơn giản. Tôi tự nhủ, từ nay, phải để tâm nhiều đến nền văn học này.

     

     
    Tháng 12-2010

     

     
  •